7 Bài Học Kinh Nghiệm Từ Hành Trình Du Lịch Châu Âu 7 Tháng
Share

Vài tháng sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân đại học ở Phần Lan, mình quyết định rời bỏ cuộc sống an toàn ở Phần Lan để khám phá châu Âu. Chuyến du lịch 7 tháng qua 14 nước là lần đi dài nhất kể từ khi đặt chân sang châu Âu du học từ năm 2011. Dưới đây là chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết thu thập được sau chuyến đi định mệnh này, với biết bao sự cố để đời.
1. Du lịch tự túc thông minh bằng việc chuẩn bị kế hoạch kĩ càng!

Blagaj, Bosnia & Herzegovina
Du lịch tự túc châu Âu không khó! Thay vì lãng phí hàng nghìn EUR cho các đại lý du lịch, hãy tự đặt vé qua các công cụ so sánh giá vé máy bay của nhiều hãng hàng không trên thế giới như Google Flights, Skyscanner hay Momondo. Đi lại giữa các thành phố châu Âu khá tiện lợi bằng tàu (Interail, Deutschbahn) hoặc bus (Flixbus, Megabus, Eurolines). Đi Đặt chỗ ở rẻ với review tốt qua các trang như Booking, Hostelbookers hay Hostelworld. Nếu mạo hiểm hơn thì ở nhà người địa phương trên AirBnb hoặc Couchsurfing. Đến nơi thì tải Google Maps hoặc dùng bản đồ thành phố để tự đi bộ tham quan các chỗ đã lên danh sách. Hãy đọc Wikitravel và Blog thay vì Tripadvisor và Lonelyplanet để am hiểu sâu về địa điểm. Hỏi chủ khách sạn và người địa phương về các chỗ ăn ngon, rẻ. Hoặc tự mua đồ ở chợ về hostel nấu ăn nếu ko thích đồ tây. Nếu không thạo tự đi thì đi một cái tour đi bộ miễn phí. Cứ như vậy, mình đã đi từ nước này qua nước khác ngon lành cành đào và vẫn lành lặn trở về Phần Lan.
Các bạn nữ phượt 1 mình nên biết cách tự bảo vệ bản thân!

Mostar, Bosnia & Herzegovina
Tuy đã trải qua rất nhiều trường hợp bị dụ dỗ và quấy rối tình dục ở Ý nhưng mình vẫn khuyến khích các bạn nữ nên đi du lịch một mình, nhất là khi đang độc thân. Đây là một cách tốt để khám phá bản thân, rèn luyện tính độc lập và sức khoẻ. Con gái phượt châu Âu một mình cũng không quá nguy hiểm như ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ. Trai Âu có khi còn thân thiện và ưu ái với gái Á hơn là trai Á nhé! Các bạn thông cảm mình nói sự thật đắng lòng.
Giao lưu với người địa phương để tìm hiểu văn hoá, và khỏi nhớ nhà!

Namur, Bỉ
Du lịch một mình không có nghĩa là cô đơn đâu nhé! Có cực nhiều cách gặp gỡ người địa phương qua Couchsurfing, Airbnb, Bookalokal, Hospitalityclub. Nếu không rành tiếng anh thì bạn cũng có thể làm quen với sinh viên Việt ở châu Âu qua hội này trên Facebook. Lúc ở Đức tuyết rơi tháng 12 mình bị ốm nặng nằm như xác chết, nhớ nhà và thèm đồ ăn Việt kinh khủng. Cũng may là ở nhà một đôi người Đức từng phượt châu Á và rất mê đồ Việt nhất là món chả lá lốt. Bọn mình cùng nấu nhiều món Á và họ còn cho mình thuốc uống để mau khỏi.
Kiểm tra kĩ các chính sách visa trước khi đi

Split, Croatia
Vì đã du lịch châu Âu một mình khá thạo trong một thời gian tương đối dài nên những nước nổi tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha với mình không còn là những nơi bí ẩn. Thay vào đó, các quốc gia kém phát triển hơn ở vùng Balkans lại thu hút sự nhiều sự chú ý của mình. Vùng này bao gồm các nước: Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgari, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia cùng một phần của Croatia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Là một đứa ít khi làm việc ngẫu hứng và thường lên kế hoạch du lịch lâu dài nhưng tới đây mình lại cực thiếu cẩn thận và quên rằng duy nhất một trong những nước ở vùng này – Macedonia không cho người có visa du lịch Schengen nhập cảnh, trừ khi bạn có visa schengen loại C hoặc D. Lưu ý là các bạn có residence permit hoặc multiple entry visa đều có thể du lịch trong khoảng thời gian nhất định qua những nước Balkans trừ Turkey nhé!

Rila Monastery, Bulgaria
Và thế là mình hào hứng không lo nghĩ bắt chuyến bus từ Sofia (Bulgari) đến thẳng thủ đô Skopje của Macedonia chiều hôm ấy. Đến nửa đêm, xe dừng ở biên giới. Tất cả các hành khách xuống đây rỡ bỏ hành lý, xuất trình hộ chiếu 3 lần qua 3 cửa kiểm soát. Đến cửa cuối cùng, mình bị giữ lại. Chú lái xe và vài người cảnh sát giơ ngón tay chỉ mình đi vào trạm, cũng không nói gì bởi tiếng anh của người vùng này khá kém. Sau khoảng nửa tiếng chờ đợi trong không khí căng thẳng (tưởng như mình là tội phạm vậy), họ đưa tờ giấy ký tên xác nhận bị từ chối nhập cảnh và phải quay lại Sofia làm visa. Lúc này, mìn khá hoang mang và sau một hồi tranh cãi khua tay múa chân vẫn bị gửi lại về Bulgari. Loay hoay hỏi cô cán bộ về bằng cách nào, người ta cũng lắc đầu. May sao có xe buýt đi ngang qua trên đường về Sofia, mình vội nhảy lên và chú lái xe tốt bụng cũng không lấy tiền, chỉ cười thích thú và ngạc nhiên khi xem hộ chiếu Việt Nam. Mình ghé nhà người địa phương mới quen, nghỉ thêm vài hôm và chuyển hướng sang Romania.
Visa Việt Nam chỉ đi được hơn 4 chục nước, sang Sing còn bị xoi xét nhiều. Thế nhưng bạn cũng không nên buồn vì điều này, bởi ít ra mình có nhiều lợi thế trong các chính sách di chuyển ở vùng ASEAN. Vì sao hộ chiếu Việt cũng không quá tồi, mình sẽ giải thích ở dưới!
Là người Việt không có gì nhiều đáng tự hào, nhưng cũng không quá tệ đâu!

Budva, Montenegro
Các bạn đã từng đi du lịch nhiều cũng biết, nếu có ai hỏi bạn đến từ đâu và bắt đầu đoán thì họ sẽ nói Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan trước tiên. Vì sao vậy? Dân số Trung Quốc đông và kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Nhật Bản nổi tiếng về văn hoá và công nghệ. Hàn Quốc thì có văn hoá Kpop rầm rộ. Singapore đối với người châu Âu cũng là một huyền thoại kinh tế. Thái Lan thì là điểm du lịch hot nhất Đông Nam Á, điều này khỏi tranh cãi rồi! Còn Việt Nam có gì? Những gì người nước ngoài chưa từng đến đây nghe qua về đất nước ‘rừng vàng biển bạc’ của chúng ta chỉ nằm gọn trong ‘cuộc chiến tranh với Mỹ’, thủ đô Hà Nội, thành phố HCM, ‘nước nghèo’ hay may ra thì có cảnh đẹp và đồ ăn ngon. Nhiều người tới ta chủ yếu cũng vì rẻ!
Nhưng làm người Việt cũng có cái hay của nó! Ít người Việt trẻ xách balô lên và đi du lịch một mình ở châu Âu. Mình có biết vài bạn như Brian Phung (flipflopwander) và An Le (nhiếp ảnh phượt), nhưng những người như vậy rất hiếm và mình cũng chưa gặp bao giờ. Bạn có thể không tự hào nhưng hãy tự tin nói rằng mình đến từ Việt Nam. Nhiều người địa phương ít biết đến Việt Nam sẽ tò mò và hào hứng trong việc giúp đỡ bạn. Chủ Freedom Hostel ở Montenegro còn cho mình ở free vì là người Việt đầu tiên tới đây. Tây balô từng đến VN rồi thì rất quý sự hiếu khách và đồ ăn của ta, Họ cũng sẽ tiếp đãi bạn và đối xử thân thiện hơn.
Làm việc không đồng nghĩa ngồi văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều

Venice, Italy
Không chỉ con gái du lịch tự túc một mình mà khái niệm digital nomad (không phải dân du cư đâu nhé!) – những người không sống ổn định ở một thành phố mà vừa du lịch vừa làm việc qua mạng, còn khá mới mẻ đối với mình! Bạn nữ trẻ người Nhật Youjin Do (chủ thước phim tài liệu về Digital Nomad đã tự kêu gọi vốn hàng chục nghìn đô vốn từ cộng đồng cho chuyến đi của mình và đội quay phim qua nhiều nơi để phỏng vấn những doanh nhân trẻ làm việc độc lập về dịa lý) đăng trên trang web của mình: ‘You can work anywhere you have Internet, right? So why are you still here?’ (tạm dich bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu có mạng đúng không? Vậy tại sao còn ở đây?).
Từng được truyền cảm hứng từ những người này, mình đã quyết ‘dứt áo ra đi’ sau nhiều thời gian chuẩn bị, đặt vé rời Phần Lan sang Hungary rồi quay lại vì khủng hoảng tâm lý, và lại quyết tâm đi! Nhiều người hỏi mình lấy tiền ở đâu để đi nhiều vậy, tưởng nhà mình giàu hay có tiền ‘từ trên trời rơi xuống’! Bố mẹ thì tưởng mình thất nghiệp và cứ đi lang thang. Tiền không mọc từ trên cây! Mình vẫn quyết vừa đi vừa làm tự do trên mạng cho trang Trip101 và có tiết kiệm một số tiền nhỏ trước đó. Trên đường cũng có nhiều người ủng hộ giúp đỡ cho chỗ ở, đồ ăn uống, đi nhờ, thậm chí cho tiền. Không có họ mình cũng không đi được tới cuối hành trình, tuy không đặt được mục đich ban đầu là đi qua hết các nước trong vùng Schengen và Balkans.
Hãy theo đuổi ước mơ cho dù bạn có khác người!

Bled, Slovenia
Nếu mình từng nghe lời gia đình, tốt nghiệp và kiếm một công việc ổn định ở 1 chỗ thì sẽ không có ngày hôm nay để không hối hận. Nếu cho mình làm lại, mình sẽ vẫn chọn con đường khó khăn của một cô gái ‘lang thang’ hay ‘vô gia cư’.
Cuộc đời là một cuôn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc có một lần. Bạn cũng chỉ sống 1 lần. Trước khi áp lực cuộc sống, công việc và gia đình làm chủ cuộc đời bạn, hãy theo đuổi ước mơ cho dù nó không đi theo khuôn khổ xã hội!

Amsterdam, Hà Lan
Bài viết rất hay, cám ơn em đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình (mình xưng em vì “vô tình” biết bạn nhỏ hơn mình 4 tuổi, hehe), đặc biệt là điều cuối cùng. Cũng từng là DSH VN ở châu Âu, nhưng mình cứ nghĩ kiểu “trời ơi, ở đây cũng 2-3 năm, cứ bình tĩnh mà đi du lịch, khg gì phải vội”, vậy mà đùng 1 cái, chưa học xong đã lấy chồng, rồi gia đình, trách nhiệm… khiến mình giờ có muốn đi cũng phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều, khg còn kiểu thích là nhích như hồi xưa đc. Giờ nhiều khi nhìn lại thấy tiếc tiếc, nhưng thời gian đã qua đi rồi thì đâu có quay lại được, haizzz
Chào chị Misa, cám ơn vì đã quan tâm đến bài viết của em. Trước chị học ở đâu thế? Em cũng gặp nhiều người có gia đình rồi vẫn dành cuối tuần hoặc ngày nghỉ để đi đây đó với con nhỏ và chồng mà. Không nhích nhanh được thì nhích từ từ chị nhé ^^ Chúc chị tương lai vẫn sẽ có những chuyến đi vui vẻ! Em thì chưa lập gia đình nhưng bây giờ trách nhiệm với công việc và cha mẹ cũng đầy mình, không thể đi bạt mạng như hồi xưa được nữa 🙁
Hồi trước mình học ở Gothenburg, Thụy Điển, sau lấy chồng người Na Uy rồi giờ sống ở Na Uy. Lập gia đình rồi thì có cái thích của đi với gia đình, nó cũng khác với kiểu đi thời độc thân vui tánh 🙂 Nhưng cái khác nhiều nhất là phải lo đủ thứ, nhất là đi với con nhỏ. Mà em nói đúng đó, độc thân nhưng trách nhiệm với bố mẹ & công việc cũng có. Thôi thì cứ… nhích từ từ vậy, haha!
Hi Hương, những trải nghiệm của em thật tuyệt vời và là một điều đáng ngưỡng mộ với một người có cùng đam mê du lịch.
Hình như a quen em vì thấy mấy cái ảnh quen quen.
cám ơn anh Tuấn Anh đã quan tâm đến blog du lịch của em. Chắc là có quen nhau trên một hành trình nào đó! Anh có thể connect với em qua facebook.com/asiasnomad